Chia sẻ niềm tin - Nâng cao vị thế

Chạy cùng người khuyết tật - Không khoảng cách, không giới hạn 2023

  • Thực hiện: Việt Phan
  • 23/09/2023
  • 0 Bình luận
  • Lượt xem: 719

Tiếp nối tổ chức thành công sự kiện Chạy cùng người khuyết tật năm 2019 tại Quảng Trị, sáng ngày 23/09/2023, Viện ACDC phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Văn hoá - Thể thao và Du lịch và Hội người khuyết tật tỉnh Quảng Nam tổ chức sự kiện Chạy cùng người khuyết tật 2023 “Không khoảng cách, không giới hạn” tại thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam. Hoạt động nằm trong khuôn khổ các dự án “Tăng cường cơ hội, nâng cao vị thế” cho người khuyết tật giai đoạn 2 và hợp phần dự án “Hòa nhập 1” do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ thông qua Viện ACDC.

Đây là hoạt động nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về người khuyết tật và vấn đề khuyết tật; tăng cường cơ hội, nâng cao vị thế của người khuyết tật, xóa bỏ rào cản, thúc đẩy sự hòa nhập bình đẳng của người khuyết tật trong xã hội và gây nguồn quỹ cho các hoạt động hỗ trợ người khuyết tật trên địa bàn tỉnh.

Các đại biểu, lãnh đạo cùng đại diện các tổ chức, cơ quan ban ngành cùng các vận động viên người khuyết tật bắt đầu xuất phát Chạy cùng người khuyết tật "Không khoảng cách - Không giới hạn"

Sự kiện “Chạy cùng người khuyết tật: Không khoảng cách, không giới hạn” được tổ chức lần đầu tiên tại tỉnh Quảng Nam và lần thứ hai trong cả nước. Hoạt động lần này đã thu hút hơn 600 đại biểu tham gia sự kiện bao gồm ông Trần Anh Tuấn, Tỉnh uỷ viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; bà Đoàn Thị Hoài Nhi, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh; ông Tào Viết Hải, Phó Giám đốc Sở Văn hoá - Thể thao và Du lịch tỉnh; ông Nand Lakhavani - Giám đốc Phòng Hành chính Tổng hợp, Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tại Việt Nam; NGND.TS Đặng Huỳnh Mai - Nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo, Chủ tịch Liên hiệp hội về người khuyết tật Việt Nam (VFD); ông Trần Đức Hùng - Phó Tổng giám đốc Trung tâm Hành động quốc gia khắc phục hậu quả chất độc và môi trường (NACCET) thuộc Bộ Quốc phòng, Trưởng Ban quản lý dự án Hoà nhập; bà Lê Thị Thuý Hương - Quản lý Dự án Hoà nhập 1 và Dự án Tăng cường cơ hội, nâng cao vị thế cho người khuyết tật; Điều phối viên chương trình khu vực miền Trung, Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ tại Việt Nam; ThS.BS Trần Hùng Minh - Phó Giám đốc Trung tâm Sáng kiến sức khoẻ và Dân số, Giám đốc dự án Hoà nhập 1; bà Nguyễn Thị Lan Anh - Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển cộng đồng (ACDC); ông Hồ Dần, Phó Giám đốc Sở Lao động- Thương binh và Xã hội tỉnh Thừa Thiên Huế; ông Hứa Quốc Dũng, Chủ tịch Hội Người khuyết tật tỉnh Quảng Nam; ông Nguyễn Huy Tập, Phó Chủ tịch Hội người khuyết tật, nạn nhân da cam, bảo trợ người khuyết tật và bệnh nhân nghèo tỉnh Quảng Trị cùng đại diện các cơ quan ban ngành như Sở Y tế, Sở Ngoại vụ, Công an tỉnh, Tỉnh đoàn; vận động viên người khuyết tật của cả 3 tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên Huế và Quảng Nam và các cơ quan thông tấn, báo chí.

Niềm vui của các lãnh đạo cùng những người khuyết tật trong sự kiện Chạy cùng người khuyết tật

Phát biểu tại sự kiện, ông Nand Lakhavani, Giám đốc Phòng Hành chính - Tổng hợp, USAID tại Việt Nam đã nhấn mạnh về tầm quan trọng trong việc thúc đẩy sự hòa nhập và khả năng của người khuyết tật: “Hòa nhập là một phần cốt lõi trong chính sách về người khuyết tật của USAID và chúng tôi tự hào được tham gia cùng tất cả mọi người trong nỗ lực chung nhằm tạo điều kiện và xây dựng môi trường thuận lợi cho sự hòa nhập và bình đẳng khuyết tật. Tôi tán dương những nỗ lực của ACDC, đối tác thực hiện dự án của USAID và tất cả các ban ngành liên quan trong các hoạt động của dự án RVCO-II và Hòa nhập 1 của USAID.”

Chia sẻ về ý nghĩa của sự kiện, NGND.TS Đặng Huỳnh Mai - Chủ tịch Liên hiệp hội về người khuyết tật Việt Nam (VFD) hy vọng: “Mỗi người dân là một đại sứ lan tỏa thông điệp về năng lực và khả năng của người khuyết tật, cùng chung tay xây dựng xã hội bao dung và tiếp cận cho tất cả mọi người.”

Cùng nhau tiến về phía trước

Ông Trần Đức Hùng - Phó Tổng giám đốc Trung tâm Hành động quốc gia khắc phục hậu quả chất độc và môi trường (NACCET), Trưởng Ban quản lý dự án Hoà nhập cũng đánh giá cao sự tham gia của các vận động là người khuyết tật trong sự kiện: “Trên cương vị là chủ Dự án Hòa nhập, NACCET đã nỗ lực không ngừng trong việc cải thiện chất lượng sống của người khuyết tật. Trong năm qua, chúng tôi đã tham gia hỗ trợ, phối hợp tổ chức các chương trình nhằm nâng cao nhận thức cho xã hội, giúp người khuyết tật hòa nhập trong cuộc sống. Qua đó, NACCET rất mong muốn xã hội sẽ thay đổi cách nhìn về cộng đồng người khuyết tật, bởi họ là những con người cần được công nhận và bảo vệ, họ cũng góp phần không nhỏ vào công cuộc phát triển đất nước, điển hình như việc rất nhiều gương mặt vận động viên người khuyết tật đã được vinh danh trên đấu trường thể thao khu vực và quốc tế.”

Vận động viên người khuyết tật đã hoàn thành chạy bộ cự ly 2km chỉ với 1 đôi chân duy nhất

Sự kiện chạy bộ được thiết kế theo đường chạy đợt 1 chạy lộ trình 01 km Hùng Vương - Trưng Nữ Vương và về đích; Đợt 2 chạy lộ trình 2km Hùng Vương- Lê Duẩn và ngược lại. Người tham gia trực tiếp lựa chọn đường chạy tùy thuộc vào khả năng của bản thân. Sự kiện sẽ đem lại nguồn cảm hứng khơi dậy phong trào thể thao, rèn luyện sức khỏe của cả cộng đồng. Đồng thời, thúc đẩy lan tỏa thông điệp mạnh mẽ về năng lực và khả năng của người khuyết tật, cùng chung tay xây dựng một xã hội tôn trọng sự đa dạng và khác biệt, thân thiện và tiếp cận cho tất cả mọi người.

Bà Nguyễn Thị Lan Anh - Viện trưởng Viện ACDC chia sẻ: ”Trong những năm qua, cùng với sự phát triển kinh tế, xã hội, sự đầu tư của Chính phủ cũng như những hỗ trợ từ các tổ chức trong và ngoài nước, người khuyết tật tại Việt Nam ngày càng thể hiện được vai trò, tiếng nói và năng lực của mình. Mặc dù vậy, vẫn còn nhiều những rào cản mà người khuyết tật đang phải đối mặt hàng ngày, cản trở đến khả năng tham gia và hòa nhập của người khuyết tật. Chúng tôi mong đợi rằng, sự kiện này sẽ thúc đẩy nhận thức và hiểu biết về khuyết tật, xóa bỏ rào cản, tăng cường tiếng nói và sự tham gia của người khuyết tật, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người khuyết tật, để càng ngày chúng ta càng nhìn thấy sự hiện diện đầy đủ và bình đẳng của người khuyết tật trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội.”

Vận động viên người khuyết tật xúc động và phấn khởi khi được trao huy chương sau khi hoàn thành chạy bộ

Sau khi hoàn thành “chặng đua” của mình, ông Nguyễn Thanh Hảo - Phó Chủ tịch Hội người khuyết tật, nạn nhân chất độc da cam huyện Gio Linh, Quảng Trị xúc động bày tỏ: “Lần đầu tiên được tham gia sự kiện với nhiều người khuyết tật, bản thân tôi thấy rất là cảm xúc. Lúc đầu tôi cảm thấy thiếu tự tin vì tôi là người khuyết tật sẽ khó hòa nhập nhưng khi tham gia sự kiện này có rất nhiều câu chuyện và hoàn cảnh khác còn đặc biệt hơn mình nhưng mà họ vẫn tham gia, vẫn vui vẻ. Nhờ đó bản thân tôi tự tin hơn, xóa bớt lòng mặc cảm, tự ti để người khuyết tật ngày càng được xích lại gần nhau, được quan tâm nhiều hơn nhằm xóa bỏ rào cản, hòa nhập với cộng đồng người khuyết tật nói riêng và cộng đồng xã hội nói chung.”

“Sự kiện hôm nay rất có ý nghĩa với người khuyết tật. Bản thân tôi thấy rất vui khi Đoàn người khuyết tật huyện Duy Xuyên có 20 người tham gia đều rất hào hứng và vui vẻ. Cách đây 4 năm trước đã từng tham gia sự kiện ở Quảng Trị, lúc đó lần đầu tôi không dám đi vì nghĩ rằng người khuyết tật chắc chắn sẽ không tham gia được, nhưng nhờ sự động viên của Ban tổ chức đã tạo mọi điều kiện như chuẩn bị xe lăn, chống nạng giúp người khuyết tật chạy và đi bộ đều được. Như vậy vượt ngoài mong đợi của tôi. Tôi mong muốn hy vọng sự kiện lần này sẽ lan tỏa sâu rộng hơn trên khắp cả nước, không chỉ 3 tỉnh hiện nay để tất cả người khuyết tật đều được tham gia sự kiện chạy bộ “Không khoảng cách, không giới hạn” - Chia sẻ của bà Nguyễn Thị Bé - Chủ nhiệm câu lạc bộ Phụ nữ khuyết tật huyện Duy xuyên, Ủy viên Ban chấp hành Hội người khuyết tật tỉnh Quảng Nam.

Sự kiện Chạy cùng người khuyết tật "Không khoảng cách - Không giới hạn" đã tổ chức thành công rực rỡ

Kết thúc sự kiện, Ban tổ chức đã huy động được nguồn quỹ khoảng 50 triệu đồng và 20 chiếc xe lăn để hỗ trợ xây dựng các công trình tiếp cận tại tỉnh Quảng Nam, bao gồm xây dựng đường dốc và nhà vệ sinh tiếp cận cho người khuyết tật. Dự kiến trong thời gian tới, ACDC sẽ tiếp tục thúc đẩy triển khai thêm các hoạt động nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống cho người khuyết tật tại địa phương.


0 bình luận

Bình luận thêm