Chia sẻ niềm tin - Nâng cao vị thế

Hà Nội: Sự kiện chia sẻ kiến thức về “Phòng chống xâm hại tình dục đối với trẻ khuyết tật”

  • Thực hiện: Việt Phan
  • 01/06/2024
  • 0 Bình luận
  • Lượt xem: 433

Ngày 31/5/2024, Viện ACDC phối hợp với Lớp trẻ điếc C5 tổ chức sự kiện chia sẻ kiến thức “Phòng chống xâm hại tình dục đối với trẻ khuyết tật” tại Công viên nông nghiệp Long Việt, Sóc Sơn, Hà Nội. Hoạt động diễn ra nhân dịp ngày Quốc tế thiếu nhi 1/6, với mục đích thúc đẩy sự tham gia tích cực và chủ động của trẻ khuyết tật nghe nói, đồng thời nâng cao nhận thức và tăng cường truyền thông về phòng chống xâm hại tình dục cho trẻ.

Trong buổi sự kiện chia sẻ này, các học sinh điếc đã có cơ hội tiếp cận những kiến thức vô cùng mới mẻ và bổ ích thông qua sự hướng dẫn nhiệt tình, hoạt bát của nhóm trẻ điếc điều phối hoạt động. Nhóm trẻ điếc điều phối hoạt động là nhóm trẻ điếc nòng cốt đã từng tham gia tập huấn về Phòng chống xâm hại tình dục đối với trẻ khuyết tật vào cuối tháng 3/2024 vừa qua.

Các học sinh điếc trao đổi thảo luận nhóm đã được chia sẻ thông tin dưới sự hướng dẫn tỉ mỉ và chi tiết của nhóm trẻ điếc nóng cốt về đánh dấu những bộ phận cơ thể có dấu hiệu xâm hại tình dục của bản thân

Sự kiện hoạt động thu hút gần 60 người tham gia, bao gồm học sinh điếc, thầy cô, cha mẹ, người chăm sóc trẻ và các phiên dịch Ngôn ngữ ký hiệu. Tiếp nối thành công từ buổi chia sẻ kiến thức về “An toàn trên không gian mạng dành cho trẻ khuyết tật”  năm 2023, nhóm trẻ điếc nòng cốt đã lên kế hoạch bài giảng cụ thể và tập luyện chăm chỉ chuẩn bị cho buổi chia sẻ, đồng thời trực tiếp lãnh đạo và điều phối hoạt động tự tin và linh hoạt. Các nội dung bài chia sẻ gồm Hành vi xâm hại, Thủ đoạn của kẻ xâm hại, Phòng ngừa và ứng phó, Nhận diện những biểu hiện có nguy cơ xâm hại tình dục…Bằng sự kết hợp sáng tạo qua đóng vai tình huống và trình chiếu nội dung với hình ảnh minh họa sinh động, các học sinh điếc đã nhận biết được các nguy cơ xâm hại tình dục, tự bảo vệ và đảm bảo an toàn cho bản thân.

Học sinh điếc vô cùng tự tin và trình bày rõ ràng về những dấu hiệu xâm hại tình dục của bản thân theo đánh dấu bộ phận cơ thể qua hình vẽ mình họa

Bên cạnh đó, nhóm trẻ Điếc nòng cốt đã phối hợp với nhau vô cùng nhuần nhuyễn, vận dụng linh hoạt các phương pháp đa dạng khác (thảo luận nhóm, thuyết trình cởi mở, que thẻ màu, đóng vai, hỏi đáp, đưa ra các giải pháp sáng kiến hay để áp dụng vào bài tập tình huống của bản thân) để khuyến khích và động viên các học sinh Điếc tham gia. Nhờ đó, buổi chia sẻ luôn có  bầu không khí gần gũi và thân thiện, nhưng không kém phần sôi nổivà tràn ngập tiếng cười… Song song với nắm vững ôn tập kiến thức, nhóm trẻ Điếc nòng cốt còn tổ chức các hoạt động trò chơi hấp dẫn để nhận được phần thưởng quà tặng ý nghĩa, tương tác chặt chẽ với các học sinh điếc nhằm giải thích kiến thức rõ ràng hơn qua những ví dụ đơn giản, dễ hiểu và dễ nhớ để những bài học trở lên lôi cuốn và sống động hơn.

Một học sinh điếc nhiệt tình giơ thẻ màu về cách ứng  phó phòng chống xâm hại tình dục của trẻ

Em N.Đ.V, là một trong trẻ điều phối xúc động chia sẻ: “Em thực sự rất vui. Bởi vì em đã tham gia cùng các bạn trong nhóm trẻ Điếc  lên kế hoạch, thực hiện xây dựng chương trình và điều hành hoạt động với sự hướng dẫn trợ giúp của thầy cô, cha mẹ. Bản thân em đã vỡ ra nhiều điều ngiá trị   và giúp em tự tin hơn để làm tốt công việc của mình, chia sẻ thông tin kiến thức và kỹ năng quan trọng về phòng chống và ứng phó xâm hại tình dục cho các học sinh Điếc. Đây là một trải nghiệm đáng nhớ của em.”

“Qua những buổi chia sẻ hữu ích của nhóm trẻ điếc, bản thân em đã tiếp thu những bài học rất hay, phù hợp với sự hiểu biết trong khả năng của em và tiếp cận các kiến thức thú vị, cũng như tham gia hoạt động trò chơi và hỏi đáp, chia sẻ hỗ trợ và giúp đỡ các bạn khác tiếp thu chậm hơn để cùng nhau cố gắng. Hy vọng với những gì đã được học, em sẽ áp dụng vào cuộc sống nhằm bảo vệ an toàn của bản thân và cách ứng phó xâm hại tình dục trong các tình huống khác nhau.” – Em N.H.P hào hứng chia sẻ.

Niềm vui và hạnh phúc của học sinh điếc khi được tham gia trò chơi tương tác dưới sự chỉ đạo của nhóm trẻ điếc điều phối

Nhận thấy buổi chia sẻ kiến thức mang lại môi trường tích cực và lành mạnh, Chị N. T. N, phụ huynh học sinh vui mừng nói rằng:“ Hôm nay tôi thấy buổi chia sẻ kiến thức về Phòng chống xâm hại tình dục cho các học sinh điếc rất hay và tuyệt vời, giúp cho các em học sinh điếc tiếp cận thông tin ngắn gọn, súc tích và phù hợp với lứa tuổi, đặc biệt là nhận biết những dấu hiệu xâm hại tình dục và cần sự trợ giúp của các cha mẹ, thầy cô trong trường hợp khẩn cấp..Tôi mong muốn qua buổi chia sẻ vừa rồi, các học sinh điếc sẽ nắm được kiến thức cơ bản, được chỉ dẫn một số kỹ năng để tăng cường nâng cao nhận thức về bảo vệ và chăm sóc bản thân, tránh những rủi ro, lôi kéo dụ dỗ, tác động tiêu cực từ bên ngoài khi gặp phải trong tình huống xâm hại tình dục. Tôi hy vọng trong tương lai, các hoạt động này triển khai nhân rộng nhiều hơn nữa để tạo điều kiện cho các con có cơ hội phát triển kỹ năng và tiếp cận những kiến thức vô vàn lý thú và mới mẻ.”

Nhóm trẻ điếc nóng cốt nhận được món quà ý nghĩa từ Ban tổ chức

Cô N.T.P, giáo viên C5 cho biết:“Mặc dù thời tiết không thuận lợi, nhưng tôi thấy các cha mẹ vẫn luôn đồng hành cùng các con tham gia buổi chia sẻ ngày hôm nay. Thực sự đây là một hành trình đặc biệt. Bản thân tôi rất biết ơn và cảm kích khi được Viện ACDC và nhà tài trợ SC phối hợp với Lớp trẻ điếc C5 tổ chức một chương trình đúng vào dịp ngày quốc tế thiếu nhi 1/6, tạo một sân chơi lành mạnh và an toàn cho các con trong khuôn viên rộng thoáng mát. Tôi mong các em học sinh điếc hãy nhớ ôn tập kiến thức, tham gia sinh hoạt, tự tin và mạnh mẽ đối phó với những tình huống xảy ra bất ngờ.”

Các học sinh điếc, thầy cô cùng cha mẹ và đại diện Viện ACDC cùng chụp ảnh lưu niệm nhân dịp ngày quốc tế thiếu nhi 1/6

Đây là hoạt động cuối nằm trong chuỗi sự kiện sáng kiến của trẻ em trong khuôn khổ dự án “Phòng chống Bạo lực thể chất, tinh thần và Phân biệt đối xử đối với Trẻ khuyết tật” (viết tắt là dự án: AVAC) năm 2024. Dự án được tài trợ bởi bởi Tổ chức Cứu trợ trẻ em.


0 bình luận

Bình luận thêm